Chuyển đến nội dung chính

Đoạn kết một cuộc tình chính trị!

 Hôn nhân chính trị vẫn là hôn nhân chính trị. Mỹ nữ Giang Đông Tôn Thượng Hương hoàn toàn có khả năng là một nước cờ cao tay mà Tôn Quyền cài vào bên cạnh Lưu Bị, hoặc để ám sát, hoặc để gây rối tập đoàn. Tuy nhiên, nàng không thành công...


Lưu Bị mỗi lần vào phòng đều được “tiếp đón” bằng đao kiếm.


Tôn Thượng Hương: “Chồng gì anh, vợ gì tôi?”

Sử liệu ghi chép về Tôn Thượng Hương không nhiều, nàng chỉ xuất hiện vài dòng trong Tam Quốc Chí: “Nguyên trước Tôn Quyền gả em gái cho Tiên chủ, Tôn phu nhân vốn là người tài giỏi, nhanh nhẹn cương mãnh, có phong thái của các anh” [1] và “Tôn phu nhân là em gái Quyền vốn kiêu căng, có nhiều binh tướng Ngô làm thủ hạ, thao túng ngang ngược chẳng có phép tắc.” [2]
Ngay cả danh tính cũng không rõ ràng, dân gian quen gọi nàng là Tôn Thượng Hương, xuất phát từ vở hí kịch “Cam Lộ Tự” của Trung Quốc. Trong khi sử sách chỉ ghi “Tôn phu nhân”, còn Tam Quốc Diễn Nghĩa nói nàng là Tôn Nhân, con gái vợ thứ của Tôn Kiên. Nhưng Tam Quốc Chí - Tôn Kiên truyện lại chú thích rằng: “Kiên có năm con trai: Sách, Quyền, Dực, Khuông là do vợ họ Ngô sinh; con út là Lãng, sinh về sau, còn có tên là Nhân.” Vậy Tôn Nhân là tên của con trai Tôn Kiên, chứ đâu phải con gái? Hy vọng đây là do La Quán Trung nhầm lẫn câu chữ, chứ không phải Tôn Quyền nhầm lẫn giới tính em mình.
Thêm vào đó, tính tình nàng cũng không được dịu dàng cho lắm. Không những mạnh mẽ, có phong thái của các anh, lại còn kè kè bên mình một dàn bảo kê đằng đằng sát khí: “Thị tì hơn trăm người đều quen cầm đao đứng hầu, Tiên chủ mỗi lần vào phòng đều thấy lạnh cả người.” [1]
Do vậy, tin rằng quan hệ của Thượng Hương và Lưu Bị đầy màu sắc chiến tranh chứ không phải tim hồng mặn nồng như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bởi nếu đã tình chàng ý thiếp, tại sao lúc nào cũng có thị tì mang vũ khí đứng canh? Như thế thì Lưu hoàng thúc dù có gan hùm mật gấu, ôm ấp nhiều dự án khả thi đến đâu, cũng không thể nào triển khai trước mặt trăm người đang cầm đao cho được, chỉ đành mang một bụng ấm ức đến tìm Khổng Minh tâm sự. Cho nên Lượng mới biết rõ chủ công mình “sợ Tôn phu nhân sinh biến ngay sát nách.”
Vậy Thượng Hương đã làm gì mà Khổng Minh phải xem nàng như một thế lực đáng gờm?
Trong phim, Tôn Thượng Hương bị giành lại A Đẩu thì rút kiếm dọa tự sát, nhưng trong sử không chừng ngược lại.

Lưu Thiện: “Con suýt bị bắt cóc!”

Theo Vân biệt truyện, những ngày còn ở Kinh Châu, Thượng Hương và binh lính của nàng lộng hành ngang ngược đến mức Lưu Bị phải đặc biệt cắt cử Triệu Vân giám sát động tĩnh: “Tiên chủ thấy Vân nghiêm nghị cẩn trọng, tác phong đường hoàng, mới giao cho đặc trách chưởng quản nội sự.”
Nhưng khi Bị vừa nhấc chân vào Ích Châu, ở nhà lập tức có biến, chính là sự kiện Triệu Vân chặn sông giành A Đẩu nổi tiếng.
Đến đây, chúng ta có thể phớt lờ hình ảnh hiền lành ngây thơ của Thượng Hương trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, bởi như đã phân tích ở trên, nàng “dữ dội” thế cơ mà, không lý nào không hiểu ảnh hưởng nghiêm trọng của việc mang người kế thừa duy nhất lúc bấy giờ của Lưu Bị về Đông Ngô, lại càng không thể vô tư đến mức không báo cho Khổng Minh mà lén dẫn A Đẩu trốn đi.
Rất may, “Vân cùng với Trương Phi giăng binh chẹn sông, mang được Hậu chủ về [2]. Nhưng phải huy động cả Triệu Vân lẫn Trương Phi, cộng thêm “giăng binh chẹn sông”, cho thấy việc giành A Đẩu về không hề dễ dàng, mà Thượng Hương cũng không đơn giản chỉ vô tình làm theo kế của anh mình.

Rất may, “Vân cùng với Trương Phi giăng binh chẹn sông, mang được Hậu chủ về
Sau này, khi Bị xua quân đánh Đông Ngô trả thù cho Quan Vũ, La Quán Trung bảo rằng Quyền hứa trả lại Thượng Hương cho Bị. Nếu thật sự Quyền có nói như thế, chỉ e không phải đang giảng hòa, mà là đang chọc Bị nổi điên hơn nữa đó thôi. Trả gì không trả, lại trả quả bom hẹn giờ!

Đoạn kết cho một cuộc tình

Hôn nhân chính trị vẫn là hôn nhân chính trị, quá nhiều yếu tố bất lợi để một chuyện tình lãng mạn xảy ra trong bối cảnh chiến trường ngày đó. Tôn Thượng Hương hoàn toàn có khả năng là một nước cờ cao tay mà Tôn Quyền cài vào bên cạnh Lưu Bị, hoặc để ám sát, hoặc để gây rối tập đoàn.
Tuy nhiên, nàng không thành công. Rồi từ lúc về lại Giang Đông thì không thấy sử sách ghi thêm gì về nàng nữa, chỉ có Tam Quốc Diễn Nghĩa kể một kết thúc bi thương rằng Thượng Hương đã trầm mình tự vẫn khi nghe tin Lưu Bị chết giữa loạn quân. Vì vậy, trong một diễn biến khó lường nào đó, giữa Lưu hoàng thúc và Tôn tiểu muội vẫn có thể tồn tại một mối tình lâm li bi đát, yêu hận tình thù ngang trái thê lương như phim kiếm hiệp Hồng Kông hồi trước. Biết đâu đấy…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nhân vật Tam Quốc: Lưu Bị

Lưu Bị – Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi! Quả thật, Lưu Bị rất xứng danh với lời khen tặng này của Tào Tháo. Nhiều người cho rằng Lưu Bị không xứng đáng anh hùng cũng có lý riêng, tôi sẽ nói rõ hơn về “anh hùng” của Lưu Bị. Lưu Bị, tên chữ là Huyền Đức, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt xa của Hiếu Cảnh Hoàng đế (Các Hoàng đế đầu tiên nhà Hán là Cao Tổ, Hiếu Huệ đế, Văn Đế, Cảnh đế, Vũ đế …). Thực chất Huyền Đức là tầng lớp quý tộc suy vi của Hán tộc, truyền đến đời Huyền Đức thì đã suy, nên Huyền Đức sinh ra trong nghèo khổ, cha mất sớm, phải đi làm nghề dệt chiếu đóng dép để kiếm ăn. Sinh thời, Huyền Đức là một người con có hiếu, thờ Lư Thực và Trịnh Huyền làm thầy, kết bạn với Công Tôn Toản. Lưu Bị đã sớm bày tỏ ý chí của mình “Sau này lớn lên ta làm vua cũng sẽ làm cỗ xe như thế” (hồi 1 – nói về cây dâu nhà Huyền Đức). Tướn...

Bi kịch một đời tướng tài - Ngụy Diên

Ngụy Diên tự là Văn Tràng, người Nghĩa Dương, vốn là thủ hạ dưới trướng đại tướng Sái Mạo của Lưu Biểu. Lưu Bị từ Tân Dã thua chạy ngang qua Tương Dương, do Sái Mạo hàng Tào Tháo, cự tuyệt không thu nạp ông, Ngụy Diên chém chết tướng sĩ giữ cửa thành đuổi theo Lưu Bị nhưng do không tìm được Lưu Bị nên ông đã đi theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền. Quan Vũ đến đánh Trường Sa, dẫn quân tới chân thành. Vào thời khắc quan trọng khi Hàn Huyền muốn giết oan Hoàng Trung, Ngụy Diên đã chém chết đao phủ cứu Hoàng Trung, lại khích lệ binh sĩ giết Hàn Huyền đầu hàng Quan Vũ. Khi Lưu Bị dẫn quân đánh Xuyên, Ngụy Diên và Hoàng Trung làm tùy quân đại tướng, lập nên rất nhiều chiến công, được phong làm Dương Vũ tướng quân. Khi Lưu Bị đoạt Hán Trung, Ngụy Diên phối hợp với Trương Phi đánh bại Trương Cáp, đoạt ải Ngõa Khẩu, chặn cướp lương thảo tại Dương Bình, lại bắn bị thương Tào Tháo tại Tà Cốc. Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương, đề bạt Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, lệnh cho ông làm Tổng...

72 MƯU KẾ CỦA QUỶ CỐC TỬ, TRĂM NGÀN NĂM SAU VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ (P.1)

Quỷ Cốc Tử là một người tu Đạo thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông tu ẩn dật một mình trong Quỷ Cốc vì thế mọi người thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tự nhận mình là đệ tử của Lão Tử. Với 72 kế sách tinh thâm của ông, bạn có thể cất giữ và học tập cả đời cũng không thể hết, ví dụ như: Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. “Biến sinh ra sự; Sự sinh mưu; Mưu sinh kế; Kế sinh nghị; Nghị sinh thuyết; Thuyết sinh tiến; Tiến sinh thoái; Thoái sinh chế (chế ngự sự việc). Dưới đây là phiên bản đầy đủ 72 kế sách của ông: Kế thứ 1: Dương mưu – Âm mưu “Mưu kế trí lược, mỗi cái đều có hình dạng của nó: hoặc vuông hoặc tròn, hoặc âm hoặc dương”. Mưu kế có âm mưu và dương mưu, trong bất kỳ tình huống nào, người ta đều không được coi thường đối phương. Bởi vì sự việc, có những việc giả dối mà đối phương cố ý tạo ra. Tình báo cũng có tình báo giả. Cho nên thánh nhân phải làm cho đối phương không thể dò biết được thực hư. Âm mưu ở đây không phải là thứ thủ đoạn của bọn tiểu nh...