Lưu Bị – Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi!
Quả thật, Lưu Bị rất xứng danh với lời khen tặng này của Tào Tháo. Nhiều người cho rằng Lưu Bị không xứng đáng anh hùng cũng có lý riêng, tôi sẽ nói rõ hơn về “anh hùng” của Lưu Bị.
Lưu Bị, tên chữ là Huyền Đức, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt xa của Hiếu Cảnh Hoàng đế (Các Hoàng đế đầu tiên nhà Hán là Cao Tổ, Hiếu Huệ đế, Văn Đế, Cảnh đế, Vũ đế …). Thực chất Huyền Đức là tầng lớp quý tộc suy vi của Hán tộc, truyền đến đời Huyền Đức thì đã suy, nên Huyền Đức sinh ra trong nghèo khổ, cha mất sớm, phải đi làm nghề dệt chiếu đóng dép để kiếm ăn. Sinh thời, Huyền Đức là một người con có hiếu, thờ Lư Thực và Trịnh Huyền làm thầy, kết bạn với Công Tôn Toản. Lưu Bị đã sớm bày tỏ ý chí của mình “Sau này lớn lên ta làm vua cũng sẽ làm cỗ xe như thế” (hồi 1 – nói về cây dâu nhà Huyền Đức). Tướng mạo Lưu Huyền Đức đã thấy một người khác thường “mình cao tám thước, tay dài quá đầu gối, mắt nhìn thấy tai”, quả thật khác thường. Tính Huyền Đức nghiêm trang, nhưng khoan dung, không thích đọc sách. Nhiều người không thích nhân vật này (tôi cũng vậy) bởi cho rằng Huyền Đức là người không biết lãnh đạo, lại có vẻ đạo đức giả và an phận chờ thời. Nhưng theo tôi, ta cần nhìn khách quan về nhân vật này, rằng ông ta cũng xứng là một anh hùng như Tào Tháo khen ngợi vậy.
Từ lúc còn khó khăn, lúc mà quân không nổi nghìn người, tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu, Huyền Đức đến Từ Châu giúp Đào Khiêm, và Khiêm đã nhận ngay ra Huyền Đức là anh hùng thời nay: khoan dung, độ lượng và biết thu phục nhân tâm. Ngay lập tức, ông đem Từ Châu dâng lên Lưu Bị mà không chút nghi hoặc, nhưng ba lần Đào Khiêm nhường Từ Châu cho Lưu Bị, thì ba lần Lưu Bị từ chối. Ai cũng bảo Lưu Bị giả nhân giả nghĩa, ngụy quân tử. Nhưng theo tôi, ta cần nhìn vào sự thật để khẳng định rằng, Lưu Bị từ chối nhận Từ Châu là hoàn toàn thực lòng, bởi ông ta là người biết nhìn xa. Từ Châu là một trong 9 châu của Trung Hoa (Thanh, U, Từ, Đại, Ký, Ích, Kinh, Dự, Lương). Thời điểm đó, Từ Châu là một địa điểm dân giàu, đất rộng, các thế lực luôn nhòm ngó: Viên Thuật ở Hoài Nam, Lã Bố, Tào Tháo… Chắc chắn Lưu Bị cũng muốn có một vùng đất như thế để làm chủ. Nhưng lúc đó, Lưu Bị quân không đầy một ngàn, tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu, trong tay không có lấy một quân sư hỗ trợ, nếu làm chủ Từ Châu, ông ta sẽ là chỗ để cho các thế lực tấn công mà không thể nào chống đỡ nổi. Lúc này Lưu biết mình còn yếu, muốn nằm yên chờ thời cơ và xây dựng lực lượng, và Từ Châu không phải là địa điểm an toàn. Quả nhiên, sau đó vì bất đắc dĩ, Huyền Đức phải nhận Từ Châu do Đào Khiêm chết, Lã Bố dễ dàng chiếm lấy Từ Châu mà Huyền Đức không có khả năng chống đỡ.
Lưu Bị khoan dung, biết lợi dụng nhân hòa và đối đãi người thực tâm. Cách dùng người của ông là dùng thì phải tin. Những người theo ông luôn hết lòng theo từ những người thưở ban đầu như Tử Long, Tôn Càn, My Chúc, Mã Lương… và sau này, ta nhớ Hoàng Quyền ở Tây Thục khi đầu hàng Huyền Đức, cùng Huyền Đức đánh Đông Ngô, vì bị vây khốn, bất đắc dĩ phải hàng Ngụy, Huyền Đức vẫn đối đãi tốt với gia đình Hoàng Quyền và Quyền vẫn luôn ca tụng Huyền Đức. Điều đó cho thấy ông ta có lòng nhân đối đãi kẻ sĩ thật sự. Giữa lúc quân tình nguy cấp, gia quyến thất lạc, mọi người đều bảo Tử Long bỏ theo hàng Tào Tháo, thì Lưu Bị vẫn một lòng tin vào Tử Long rằng “Tử Long theo ta đã lâu, quyết không bao giờ phản ta cả“. Đây là điểm đáng ca ngợi, và là điểm sáng nhất của Lưu Bị.
Quả thật, thất bại liên tiếp với Tào Tháo khiến Lưu luôn khao khát một vị quân sư tài năng để giúp mình điều binh khiển tướng. Phải nói thật là Lưu thua xa Tào Tháo ở tài cầm quân. Huyền Đức có vẻ giống ông tổ của mình là Lưu Bang, đối đãi người cực hậu, tin người và hoàn toàn để cho các tướng của mình phát huy tài năng (nhưng thua xa Lưu Bang ở “tài” ham gái đẹp và uống rượu, hay chửi tục). Từ Thứ là người đầu tiên mà Lưu Bị xử dụng, ngay lập tức tin tưởng vào tài năng của Nguyên Trực. Nhưng rồi Tào Tháo dùng mẹ Từ Thứ làm sức ép, Từ Thứ vội vàng không suy nghĩ (đúng như Thủy Kính Tiên sinh – Tư Mã Huy nói Từ mẫu là người trung hậu, nếu thấy con bỏ Lưu nhất định sẽ xấu hổ mà tự vẫn) bỏ Lưu Bị về mong cứu mẹ, nhưng ngược lại còn làm mẹ bị chết. Trước đó, có người từng khuyên Lưu Bị cố giữ Từ Thứ ở lại, Tào Tháo sẽ giết mẹ Từ Thứ và Từ Thứ sẽ càng căm thù Tào Tháo, hết sức phò tá Lưu Bị, nhưng Huyền Đức không làm vậy càng cho thấy ông ta quý trọng người tài thế nào. Chia tay Từ Thứ, Huyền Đức nói rằng “Tôi mất ông, như bị mất tay chân, dù có gan rồng tủy phượng ăn cũng không thấy ngon!“, và cảm tấm lòng của Huyền Đức, Nguyên Trực đã tiến cử Ngọa Long với Huyền Đức và câu chuyện “Tam cố thảo lư” đã trở thành điển tích muôn đời, được lấy làm tấm gương về cầu người hiền tài của Lưu Bị.
Lúc gặp Ngọa Long, Lưu Huyền Đức đã 47 tuổi, còn Ngọa Long mới 27 tuổi, có thể nói Huyền Đức đã chinh chiến nửa đời người, nếu xét lẽ thường sẽ cho rằng mình kinh nghiệm trận mạc, còn anh chàng kia cũng chỉ là “ngựa non háu đá”, nhưng không, Huyền Đức hoàn toàn tin tưởng con người “cao ngạo”, tự nhận mình sánh ngang “Quản Trọng, Nhạc Nghị” kia, và coi rằng “Ta gặp Khổng Minh như cá gặp nước”, “Khổng Minh là thầy ta” thì đủ thấy Huyền Đức trọng người tài thế nào. Sự tin tưởng vào người tài ấy đã phát huy tác dụng ngay lập tức khi Khổng Minh giúp Lưu Bị trở thành một trong 3 cái chân kiềng thời Tam Quốc, trở thành Hoàng đế nước Thục. Một cái hay là Lưu còn dung được cả 2 con rồng (Ngọa Long) – Phượng (Phượng Sồ) trong một trướng, cùng bàn kế sách, Phượng Sồ góp phần quan trọng trong chiến dịch Tây Xuyên, Ngọa Long trong màn quyết định thắng lợi ngoài ngàn dặm. Ai nói Lưu Bị không có tài? Ông ta bất tài về điều binh khiển tướng, nhưng lại có tài về việc sử dụng người tài và tin người tài. Huyền Đức còn có một điểm hơn Gia Cát ở chỗ nhận ra Mã Tốc là người chỉ giỏi lý thuyết xuông, hay khoe khoang quá sự thật, không có thực tài. Sau này, khi Gia Cát gạt lệ chém Mã Tốc, khóc thương Mã Tốc thì ít mà khóc vì nhớ chủ xưa, khóc vì quên lời dặn của chủ là nhiều. Tôi phản đối với những người có quan điểm rằng Lưu Bị là bất tài, mà trái lại, ông ta rất có tài là khác: biết nhẫn nhịn chờ thời cơ, biết trọng dụng nhân tài, biết khoan dung đối với kẻ dưới.
Bản thân Lưu Bị long đong vất vả nửa đời người, cũng từng suýt bị vinh hoa và gái đẹp làm quên mất. Khi đến cưới vợ ở Đông Ngô, Chu Du từng phân tích “Lưu Bị vất vả nửa đời người, nếu ta đem vinh hoa, cùng với phu nhân ra nhử, hạnh phúc có rồi, Lưu Bị tất dần dần mà quên lũ ở Kinh Châu“. Và quả thật, vui duyên mới, suýt nữa Huyền Đức quên mất Kinh Châu, may có Tử Long theo mật kế của Khổng Minh thức tỉnh.
Chuyện Lưu Bị đem con phó thác cho Khổng Minh cũng là một điển tích:
“Thành Bạch Đế mấy lời thấm thót
Tình thác cô chua xót nhường bao
Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào
Một tay mong chống trời cao nghìn trùng…“
Đó là mấy câu thơ mô tả việc Lưu Huyền Đức lúc sắp lâm chung ở Bạch Đế thành đem con mình là Lưu Thiện phó thác cho Gia Cát Khổng Minh, dặn các con mình coi Khổng Minh như cha, khiến cho Khổng Minh cảm kích tấm lòng, cố hết sức mình vì nước đến chết mới thôi. Và điều quan trọng ông dặn các con mình vẫn là “đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ, cũng đừng thấy điều ác nào mà cứ làm” cho thấy Lưu Huyền Đức muốn các con mình học mình ở đức thu phục nhân tâm. Người đời vẫn bàn tán khác nhau về chuyện Lưu Bị sắp chết nhường ngôi cho Gia Cát Lượng. Theo cuốn sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, đúng là trước lúc lâm chung ở Bạch Đế thành, Lưu Bị có nói với Gia Cát Lượng “Tài năng khanh gấp 10 lần, nếu con ta ngu dốt quá thì khanh hãy lên làm thay nó“. Ta hãy nhớ, cha của Trần Thọ vốn là 1 tướng dưới quyền Mã Tốc trong trận thua Nhai Đình và bị cách chức về quê, trong lòng rất thù hận Khổng Minh, đòi con là nhà viết sử phải nói bêu xấu về Khổng Minh, nhưng Trần Thọ với lương tâm của một nhà viết sử, đã viết rất khách quan về Gia Cát Lượng, và xác nhận việc Lưu Bị có ý nhường cho Khổng Minh là sự thật. Hiểu con không ai hơn cha, Lưu Bị quá hiểu con mình ngu dốt, lại không biết nghe lời phải, nếu không có một người như Khổng Minh lãnh đạo thì cơ nghiệp nước Thục của mình sẽ thành mây khói, thậm chí mồ mả mình cũng có khi bị quật lên không yên ấy chứ. Thế nên không hẳn lừa dối mà nói Khổng Minh lên ngôi. Hơn nữa, Lưu Bị cũng hiểu quần thần nhất loạt ủng hộ họ Lưu, nếu Gia Cát có định cướp ngôi cũng không danh chính ngôn thuận, nên yên tâm phó thác con mình cho Gia Cát, bắt con mình coi Gia Cát như cha. Qua việc này, ta thấy Lưu Bị hiểu cộng sự của mình thế nào.
Cái chết của Lưu Bị thực chất là việc chọn nghĩa cho lời thề đào viên, và cũng báo trước cho sự sụp đổ của nước Thục sau này, bởi thất bại của Lưu Bị ở trận Hào Đình khiến cho nguyên khí nước Thục bị tổn thất nặng nề (hơn 60 vạn quân bị đốt chết), mất biết bao tướng tài và tiền của. Thế mới thấy, dù ngày thường nghe lời Khổng Minh, Triệu Vân là vậy, mà khi vì thù hận, quên cả lời nói trung, không nghe lời phải.
Nói tóm lại, ta nên đánh giá tài năng và anh hùng một cách khách quan. Xét về mặt tài năng, Lưu không có cái tài thơ phú hay cầm quân như Tào Tháo, không có mưu lược như Khổng Minh, cũng không chói ngời trung nghĩa như Quan Vũ, lại chẳng thẳng ruột ngựa như Trương Phi, nhưng Lưu Bị phải thừa nhận là người khoan dung, biết dựa vào lòng dân và dựa vào nhân tài, biết nhìn người và sử dụng người. Cái anh hùng của Lưu Bị ở chỗ đó. Chúng ta không thích ông ta vì không có những tính cách chói ngời, nhưng đừng vì thế mà đánh giá ông ta kém cỏi không anh hùng
Nhận xét
Đăng nhận xét