Có thể nói, nếu như ai đó không thích Lưu Bị, thì cũng khó mà thích được Tôn Quyền. Thực ra mà nói, Đông Ngô không có mấy người có tính cách hay đáng để cho độc giả thích thú, ngoài những cuộc đấu chí giữa Chu Du và Gia Cát.
Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, là con thứ 2 của Tôn Kiên, là em của Tôn Sách, thừa kế cơ nghiệp cha ông, hùng cứ 9 quận 81 châu xứ Đông Ngô giàu có và tươi đẹp. Khi mới lên ngôi, ông mới có 18 tuổi. Lúc đó, Tôn Sách vì đang bị thương do các gia thần của Hứa Cống ám sát, và lại nhân chuyện giết đạo sĩ Vu Cát mà nổi bệnh chết đột ngột, để lại ngôi vị cho em mình. Tôn Quyền lên ngôi, củng cổ lại Giang Đông, tin dùng tướng tài Chu Du, nghe lời Lỗ Túc, lại biết dung hòa với bọn quan văn Trương Chiêu… làm cho Giang Đông ngày càng thịnh vượng. Có thể nói rằng, Tôn Quyền có công rất lớn cho sự thịnh vượng và giàu có ở xứ Giang Nam Trung Hoa từ đó về sau. Tôn Quyền hơn hẳn người anh của mình về tài trị quốc an dân. Tôn Sách đúng như người ta ví như Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, nhưng chỉ là hạng vũ phu, cậy tài và nóng nảy, thua xa người em mình khoan hòa độ lương, mưu lược và biết dùng người tài.
Trong cuộc chiến Xích Bích, Tôn Quyền rất sáng suốt, nghe lời Lỗ Túc, Chu Du và Gia Cát Lượng liên hợp với Lưu Bị đánh bại 83 vạn đại quân Tào Tháo, lúc ấy, ông cũng chỉ mới có 27 tuổi (bằng tuổi Khổng Minh). Khổng Minh từng đánh giá Tôn Quyền “Người này mắt biếc râu tía, chỉ thích nói khích chứ không thể thuyết phục được“.
Tôn Quyền dùng người có cái gì đó giống Lưu Bị, cũng rất khoan dung và tin người. Giữa lúc quân tình nguy cấp, 70 vạn quân Lưu Bị đánh Đông Ngô, ai cũng khiếp vía, Tôn Quyền tin tưởng một anh tướng “trẻ ranh” Lục Tốn, trao toàn quyền điều binh khiển tướng cho anh học trò này đánh bại Lưu Bị đúng là một chuyện lạ. Có thể nói rằng, không cần nói nhiều hơn nữa về cái tài dùng người của Tôn Quyền. Một điểm kém duy nhất xứ Đông Ngô là không có lấy một mưu sĩ đáng kể để giúp các đại tướng cầm quân. Gia Cát Cẩn, Trương Chiêu… chỉ là những hạng thầy đồ giữ nhà mà thôi, đâu so được với Gia Cát Lượng nơi đất Thục, Quách Gia, Giả Hủ… đất Ngụy. Đó là nguyên nhân nước Ngô của Tôn Quyền dù có những vị đô đốc tài ba như Chu Du hay Lục Tốn vẫn chỉ biết khư khư chui trong vỏ bọc Trường Giang hiểm trở mà không vượt ra ngoài thiên hạ để tranh cao thấp (Lục Tốn đánh được Lưu Bị đến tấn công mình, nhưng khi đánh nhau với Tào Tuấn thì đại bại, phải rút quân về vội).
Điểm kém nhất của Tôn Quyền (và nước Ngô) là quá tham lam. Tham đến vô lý, tham đến độ Chu Du uất ức mà chết. Nước Ngô cai quản vùng đất phì nhiêu, dân giàu đất rộng, 9 quận 81 châu, nhưng vẫn cố tham mảnh đất Kinh Châu mà người người tranh đoạt để rồi gây xích mích với Lưu Bị. Sau trận chiến Xích Bích, Khổng Minh dùng kế đoạt Kinh Châu, Tôn Quyền trắng trợn đến đòi, có thể nói là một sự vô lý, và thể hiện lòng tham quá đỗi. Xét về lý, Kinh Châu là đất của Lưu Biểu, Lưu Bị là em Lưu Biểu, giúp cháu là Lưu Kỳ cai quản Kinh Châu cơ mà. Vậy mà năm lần bảy lượt đến ép trả, khiến cho Khổng Minh phải nghĩ ra câu chuyện tiếu lâm ngàn năm “Lưu Bị mượn Kinh Châu” đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Sự tham lam ấy dẫn đến cái chết tất yếu của Chu Du, và cái chết của Quan Vũ, cái chết oan uổng của Trương Phi, và sau này Tôn Quyền hối hận lại thì đã muộn. Ông ta chỉ hiểu cái giá của việc này sau khi Lưu Bị chết, Khổng Minh đặt giao bang, mới hiểu phải liên kết với nước Thục nếu không muốn bị nước Ngụy nuốt chửng. Tuy nhiên, nước Ngô của Tôn Quyền vẫn luôn sai lầm. Trong lúc Gia Cát Lượng cố chết đánh Tào ở phía Tây, Tôn Quyền ung dung khoanh tay xem hai con hổ đánh nhau, chờ con nào thua sẽ nhảy vào cắn xé. Nhưng Tôn Quyền lại sai lầm, bất kỳ con hổ nào thắng, sẽ mạnh khủng khiếp và nuốt chửng cả Giang Đông của Tôn Quyền. Và cái hậu quả đó quả thật nhỡn tiền khi nước Ngụy xóa xổ nước Thục, thuận đường vượt Trường Giang diệt nước Ngô, giấc mộng đế vương của nước Ngô mãi mãi chấm dứt ngàn thu.
Nhận xét
Đăng nhận xét