Chuyển đến nội dung chính

Tôn Kiên vớt được Ngọc tỷ truyền quốc tại giếng đền Kiếng Chương

Lạc Dương thành 

Tôn Kiên dập tắt lửa trong cung, đóng quân trong thành, đặt trướng ngay trên đền Kiến Chương rồi sai quân quét dọn những gạch ngói ở các cung điện. Phàm những lăng tẩm mà Ðổng Trác đã khai quật lên, Kiên sai chôn cất lại cả. Lại cất ba gian điện, lợp cỏ ở trên nền nhà Thái Miếu, đặt linh vị các vua, giết trâu mổ bò, mời chư hầu đến tế. Tế xong rồi, các tướng ai về trại ấy. 

Kiên về trại, đêm hôm ấy trăng sao vàng vặc. Kiên cầm thanh kiếm ra sân, ngẩng mặt lên xem thiên văn thấy trong tồ tử vi có khí trắng mờ mờ. Kiên than rằng: 

- Ðế tinh không được tỏ, cho nên tặc thần loạn nước, muôn dân phải lầm than, kinh thành không còn gì nữa. 

Vừa nói vừa rỏ nước mắt khóc. Bên cạnh có tên lính trỏ tay bảo Kiên rằng: 

- Kìa, ở phía Nam điện này có hào quang năm sắc, từ dưới đáy giếng bốc lên. 

Kiên liền sai quân sĩ đốt đuốc xuống giếng tìm xem. Một lát quân mò đem lên được một cái thây người đàn bà chết đã lâu ngày nhưng chưa nát; người này mặc theo lối của cung đình, dưới cổ đeo một cái túi gấm, mở túi ra xem thấy một cái ấn bằng ngọc, vuông bốn tấc, trên núm dấu chạm năm con rồng; bên cạnh có sứt một miếng phải lấy vàng bịt lại; mặt dấu khắc tám chử triện: "Phụ Mệnh Vu Thiên, Ký Thọ Vĩnh Xương" 

Kiên được ấn ngọc ấy, hỏi Trình Phổ, Phổ nói: 

- Ðấy là ngọc tỷ truyền quốc. Ngày xưa, Biện Hồ ở dưới núi Kinh Sơn trông thấy chim phượng hoàng đậu ở trên hòn đá, đem đá ấy về tiến vua Văn Vương nước Sở. Lúc phá đá ra trong có hòn ngọc. Ðến đời nhà Tần, năm thứ 26 (221 trước công nguyên) vua Tần sai thề ngọc dũa ra làm ấn quốc bảo. Tám chữ triện viết ở trên mặt ấn là chử Lý Tư. Năm thứ 28 Tần Thủy Hoàng đi tuần đến hồ Ðộng Ðình, gặp sóng to gió lớn, thuyền sắp đắm, vua vội vàng ném ngọc tỷ ấy xuống hồ mới không việc gì. Ðến năm thứ 38, Thủy Hoàng đi tuần đến núi Hoa Âm, đương đi gặp một người tay cầm ngọc tỷ đứng đón đường, đưa cho quân hầu nói rằng: "Ðem cái nầy về trả Tổ Long" 

Nói xong rồi biến mất. Ấn ngọc ấy lại về nhà Tần. Ðến năm sau, Thủy Hoàng mất. Tử Anh đem ngọc dâng cho Cao Tổ nhà Hán. Ðến lúc Vương Mãng khởi loạn, hoàng hậu vua Hiếu Nguyên cầm ngọc ấy đánh Vương Tầm, Tô Hiến sứt mất một góc, phải lấy vàng bịt vào. Vua Quang Vũ được ấn ngọc ấy ở Nghi Dương, truyền đến bây giờ. Khi mười tên hoạn quan làm loạn, bức đem Thiếu đế ra Bắc Mang, lúc về thấy mất ngọc tỷ. Nay tướng quân lại tìm được, tất là trời cho tướng quân đó. Ðiềm này là điềm báo tướng quân sẽ làm vua. Vậy tướng quân không nên ở lâu chốn nầy, mà nên về ngay Giang Ðông để mưu toan việc lớn! 

- Ngươi nói chính hợp ý ta. Ngày mai ta sẽ cáo bệnh về. 

Bàn định xong, Kiên truyền quân sĩ không được nói hở cho ai biết. Không ngờ trong đám quân sĩ có một người cùng làng với Viên Thiệu, biết việc đó, muốn nhân dịp tiến thân, ngay đêm hôm ấy lẻn sang báo với Viên Thiệu.
Thiệu thưởng cho người ấy rồi giữ lại ở trong quân. 



Hôm sau Tôn Kiên sang trại Viên Thiệu để cáo từ, nói rằng: 

- Tôi hơi khó ở, xin phép về Trường Sa. 

Thiệu cười nói rằng: 

- Tôi đã biết bệnh của ông rồi. Bệnh ấy là bệnh ngọc tỷ! 

Kiên thất sắc, hỏi rằng: 

- Ai nói với ông thế? 

Thiệu nói: 

- Nay chúng ta vì nước đánh giặc. Ngọc tỷ là của báu triều đình, ông bắt được, nên ở chỗ minh chủ, đợi khi nào giết được Ðổng Trác, thì đem trả lại cho nhà vua. Nay ông giấu ấn ấy mà bỏ đi, định làm gì? 

Kiên cứ chối: 

- Ngọc tỷ làm gì có ở tôi? 

Thiệu nói: 

- Cái gì bắt được ở đáy giếng đền Kiến Chương, bây giờ ở đâu? 

Kiên nói: 

- Tôi không có của ấy cưỡng bức nhau làm gì thế? 

Thiệu nói: 

- Mau mau bỏ ra đây, kẻo vạ vào thân bây giờ! 

Kiên trỏ tay lên trời thề rằng: 

- Tôi được của ấy mà giấu đi, thì sẽ chết dưới mũi tên hòn đạn. 

Các tướng đều nói rằng: 

- Văn Ðài đã thề như thế, chắc là không bắt được ngọc tỷ. 

Thiệu gọi người làm chứng ra, hỏi Tôn Kiên rằng: 

- Lúc mò được ngọc, có người này ở đấy không? 

Kiên giận lắm, rút ngay kiếm ra, định chém người ấy. Thiệu cũng rút kiếm ra bảo rằng: 

- Hễ ngươi chém hắn thì ngươi dối ta. 

Nhan Lương, Văn Sú đứng sau lưng Viên Thiệu cũng rút kiếm ra. Sau lưng Tôn Kiên, Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Ðương, cũng cầm đao lăm lăm ở trong tay. Các tướng đều xúm lại can đôi bên. Kiên lập tức trở ra, lên ngựa về nhổ trại, bỏ Lạc Dương đi. 

Thiệu giận lắm, liền viết một lá thư, sai người tâm phúc ngay đêm hôm ấy đem sang Kinh Châu, đưa cho quan Thứ Sử là Lưu Biểu, sai Biểu chẹn đường Kiên, lấy lại ngọc tỷ. 

Hôm sau có người báo rằng: 

- Tào Tháo đuổi Ðổng Trác, đánh nhau ở Vinh Dương thua to trở về. 

Thiệu bèn sai người đón Tháo vào trại, ở tiệc rượu cùng với Tháo giải phiền. 

Trong khi uống rượu, Tào Tháo than rằng: 

- Ta trước kia khởi nghĩa lớn, cốt là muốn vì nước trừ hại. Các ông đã có bụng trượng nghĩa mà đến với tôi, ỵ tôi muốn phiền Bản Sơn đem quân Hà Nội sang đóng ở Mạch Tân; còn các quân Toan, Táo cứ giữ vững Thành Cao, giữ cửa ải Ngao Thương, ngăn Hoàn Viên, Ðại Cốc, khống chế những nơi hiểm yếu. Còn Công Lộ đem quân Nam Dương sang đóng ở Ðan Triết, tiến vào cửa Vũ Quan, để cho cái uy thế ở Tam Phụ to lên. Nơi nào cũng thành cao, hào sâu, không đánh nhau, chỉ giữ làm nghi binh, để thiên hạ trông rõ hình thế, cho ta là kẻ thuận đi trừ gian, thì việc lớn có thể định ngay được. Thế mà các ông dùng dằng mãi chẳng tiến quân, làm mất cả lòng mong đợi của thiên hạ, tôi lấy làm xấu hổ quá! 

Lũ Thiệu không ai nói câu gì. Một chốc tiệc tan. 

Tháo thấy lũ Thiệu mỗi người một bụng, nghĩ cũng không làm được việc lớn, bèn tự kéo quân về Dương Châu. 

Công Tôn Toản thấy tình cảnh thế, cũng chán. Một bữa Toản bảo với Lưu, Quan, Trương: 

- Tôi xem Viên Thiệu không làm nên được trò trống gì đâu; ở lâu tất sinh biến , chi bằng chúng ta hãy về. 

Bèn nhổ trại về phía Bắc. Ði đến huyện Bình Nguyên, Toản sai Lưu Bị làm tướng ở đó, giữ lấy đất, nuôi lấy quân. 

Thái Thú Duyện Châu Lưu Ðại, thiếu lương hỏi vay Thái Thú Ðông Quận là Kiều Mạo, Mạo không cho vay, Ðại đem quân xông vào dinh Mạo, giết Mạo rồi thu phục quân sĩ và thu hết của quân lương. 

Viên Thiệu thấy chư hầu mỗi người đi một ngả, cũng rời Lạc Dương kéo quân về Quan Ðông. 

Thứ Sử Kinh Châu là Lưu Biểu, bắt được thư của Viên Thiệu xin đem quân chẹn đường Tôn Kiên, liền sai ngay Khoái Việt và Sái Mạo dẫn một vạn quân ra đón đường đánh Kiên. 

Lưu Biểu, tên chữ là Cảnh Thăng, quê ở Cao Bình, đất Sơn Dương, cũng là tôn thân nhà Hán. Lúc còn nhỏ, Biểu kết bạn với bảy danh sĩ, bấy giờ người ta gọi là "Giang Hạ bát tuấn". Trong tám người ấy thì một người là Lưu Biểu, còn tám người nữa là: 1- Trần Tường; 2- Phạm Phang; 3- Khổng Giực; 4- Phạm Khang; 5- Ðàn Phu; 6- Trương Kiệm; 7- Sầm Hĩnh. 

Biểu cùng bảy người ấy kết làm bạn, nhưng ngoài ra còn có mấy người phù tá. Một là Khoái Lương, người ở Diên Bình, hai là Khoái Việt cũng người ở Diên Bình, ba là Sái Mạo người ở Tương Dương. 

Khoái Việt, Sái Mạo dẫn một vạn quân ra chặn đường Tôn Kiên vừa đến đó, Khoái Việt bày trận rồi nhảy ngựa ra. 

Kiên thấy Việt, hỏi rằng: 

- Khoái Việt cớ sao chẹn đường ta? 

Việt nói: 

- Ngươi đã làm tôi nhà Hán, sao được giấu ngọc tỷ truyền quốc? Ðưa ra ngay ra đây, ta sẽ cho đi. 

Kiên tức lắm, sai ngay Hoàng Cái ra đánh. Sái Mạo múa đao lại địch. Ðược vài hiệp, Cái hoa ngọn roi, đánh trúng ngay miếng kính che ngực Mạo. Mạo quay đầu ngựa chạy. Kiên thừa thế đuổi đánh khỏi cửa ô. Lúc bấy giờ, ở trong núi bỗng thấy chiêng trống khua rầm lên. Thì ra Lưu Biểu vừa dẫn quân đến. Kiên ngồi trên ngựa chào hỏi tử tế, rồi nói với Lưu Biểu rằng: 

- Ta với Cảnh Thăng là láng giềng với nhau. Sao Cảnh Thăng lại nở tin lời Viên Thiệu và xử tệ với ta làm vậy? 

Biểu nói: 

- Nhà ngươi dấu quốc bảo, muốn làm phản à? 

Kiên lại thề: 

- Ta mà có của ấy ở trong mình, xin chết ở dưới mũi tên viên đạn. 

Biểu nói: 

- Muốn cho ta tin, nhà ngươi phải để cho ta khám cả đồ hành Lý. 

Kiên nổi khùng, mắng Lưu Biểu rằng: 

- Tài sức ngươi thấm vào đâu, mà dám khinh ta! 

Hai bên sắp sửa giao binh đánh nhau. Lưu Biểu lui ngay. Kiên thấy vậy thả ngựa sấn lại. Bấy giờ quân phục ở sau hai rặng núi kéo ồ ra; sau lưng Khoái Việt, Sái Mạo ập lại, vây bọc lấy Tôn Kiên ở giữa trận. 

Thế rõ thực là: 

Ngọc tỷ đem về không dùng được, 

Lại vì của ấy động binh đao.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nhân vật Tam Quốc: Lưu Bị

Lưu Bị – Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi! Quả thật, Lưu Bị rất xứng danh với lời khen tặng này của Tào Tháo. Nhiều người cho rằng Lưu Bị không xứng đáng anh hùng cũng có lý riêng, tôi sẽ nói rõ hơn về “anh hùng” của Lưu Bị. Lưu Bị, tên chữ là Huyền Đức, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt xa của Hiếu Cảnh Hoàng đế (Các Hoàng đế đầu tiên nhà Hán là Cao Tổ, Hiếu Huệ đế, Văn Đế, Cảnh đế, Vũ đế …). Thực chất Huyền Đức là tầng lớp quý tộc suy vi của Hán tộc, truyền đến đời Huyền Đức thì đã suy, nên Huyền Đức sinh ra trong nghèo khổ, cha mất sớm, phải đi làm nghề dệt chiếu đóng dép để kiếm ăn. Sinh thời, Huyền Đức là một người con có hiếu, thờ Lư Thực và Trịnh Huyền làm thầy, kết bạn với Công Tôn Toản. Lưu Bị đã sớm bày tỏ ý chí của mình “Sau này lớn lên ta làm vua cũng sẽ làm cỗ xe như thế” (hồi 1 – nói về cây dâu nhà Huyền Đức). Tướn...

Bi kịch một đời tướng tài - Ngụy Diên

Ngụy Diên tự là Văn Tràng, người Nghĩa Dương, vốn là thủ hạ dưới trướng đại tướng Sái Mạo của Lưu Biểu. Lưu Bị từ Tân Dã thua chạy ngang qua Tương Dương, do Sái Mạo hàng Tào Tháo, cự tuyệt không thu nạp ông, Ngụy Diên chém chết tướng sĩ giữ cửa thành đuổi theo Lưu Bị nhưng do không tìm được Lưu Bị nên ông đã đi theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền. Quan Vũ đến đánh Trường Sa, dẫn quân tới chân thành. Vào thời khắc quan trọng khi Hàn Huyền muốn giết oan Hoàng Trung, Ngụy Diên đã chém chết đao phủ cứu Hoàng Trung, lại khích lệ binh sĩ giết Hàn Huyền đầu hàng Quan Vũ. Khi Lưu Bị dẫn quân đánh Xuyên, Ngụy Diên và Hoàng Trung làm tùy quân đại tướng, lập nên rất nhiều chiến công, được phong làm Dương Vũ tướng quân. Khi Lưu Bị đoạt Hán Trung, Ngụy Diên phối hợp với Trương Phi đánh bại Trương Cáp, đoạt ải Ngõa Khẩu, chặn cướp lương thảo tại Dương Bình, lại bắn bị thương Tào Tháo tại Tà Cốc. Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương, đề bạt Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, lệnh cho ông làm Tổng...

72 MƯU KẾ CỦA QUỶ CỐC TỬ, TRĂM NGÀN NĂM SAU VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ (P.1)

Quỷ Cốc Tử là một người tu Đạo thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông tu ẩn dật một mình trong Quỷ Cốc vì thế mọi người thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tự nhận mình là đệ tử của Lão Tử. Với 72 kế sách tinh thâm của ông, bạn có thể cất giữ và học tập cả đời cũng không thể hết, ví dụ như: Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. “Biến sinh ra sự; Sự sinh mưu; Mưu sinh kế; Kế sinh nghị; Nghị sinh thuyết; Thuyết sinh tiến; Tiến sinh thoái; Thoái sinh chế (chế ngự sự việc). Dưới đây là phiên bản đầy đủ 72 kế sách của ông: Kế thứ 1: Dương mưu – Âm mưu “Mưu kế trí lược, mỗi cái đều có hình dạng của nó: hoặc vuông hoặc tròn, hoặc âm hoặc dương”. Mưu kế có âm mưu và dương mưu, trong bất kỳ tình huống nào, người ta đều không được coi thường đối phương. Bởi vì sự việc, có những việc giả dối mà đối phương cố ý tạo ra. Tình báo cũng có tình báo giả. Cho nên thánh nhân phải làm cho đối phương không thể dò biết được thực hư. Âm mưu ở đây không phải là thứ thủ đoạn của bọn tiểu nh...