Chuyển đến nội dung chính

ĐỀ XUẤT “TÝ NGỌ CỐC” CỦA NGỤY DIÊN – KHẢ THI HAY CHỈ LÀ CUỒNG VỌNG?

ĐỀ XUẤT “TÝ NGỌ CỐC” CỦA NGỤY DIÊN – KHẢ THI HAY CHỈ LÀ CUỒNG VỌNG?

(Tác giả: Nguyễn Đỗ Thuyên)

Nhắc đến nhân vật Ngụy Diên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN), người ta nghĩ ngay đến “phản cốt”,“tướng mạo phản phúc”, đến mối quan hệ chẳng mấy cơm lành canh ngọt giữa ông và Gia Cát Lượng. Gần đây, khi các tài liệu ngoài TQDN được dịch nhiều hơn, người ta bắt đầu nói nhiều về những sáng tạo văn học đôi khi “phi lý” (như việc Gia Cát Lượng lại đi tin vào cái gọi là “phản cốt” vớ vẩn) của La Quán Trung, và bắt đầu “xét lại” nhiều điều trong tác phẩm này. Ngụy Diên nằm trong số đó, hơn nữa lại là một nhân vật được chú ý gần như nhiều nhất. Điều này có lẽ xuất phát từ lòng “hướng Thục” của đa số độc giả, họ tiếc cho một nhân vật đầy triển vọng, vốn được Lưu Bị đánh giá cao. Quan trọng hơn, họ tiếc cho một cơ hội mà theo họ đáng ra sẽ là mấu chốt thắng bại trong chiến dịch phạt Ngụy của nhà Thục – “kỳ mưu” Tý Ngọ Cốc. Tuy nhiên, có thật sự Tý Ngọ là con đường dẫn đến thắng lợi cho quân Thục? Đề xuất này liệu có khả thi, hay chỉ là một phút cuồng vọng của Ngụy Diên?

Đầu tiên, nói về quy mô của “kỳ mưu Tý Ngọ”, nên khẳng định ngay đây chỉ là một hoạt động quân sự mang tính ứng biến chiến thuật, không mang tầm chiến lược, quy mô chỉ giới hạn trong một trận đánh, không phải một chiến dịch. Nói đến tính khả thi của trận đánh “giả định” này, người viết xem xét trên 3 phương diện: địa thế Tý Ngọ Cốc, nhân sự phía Tào Ngụy, tính khả thi của việc đánh chiếm và giữ được Trường An.



1 – Địa thế Tý Ngọ Cốc:

Lãnh thổ Thục Ngụy được biên giới tự nhiên là dãy Tần Lĩnh nằm theo hướng Đông - Tây phân chia. Phía Bắc là Vị Thủy, phía Nam là Hán Thủy đều là các trọng địa quân sự của Ngụy và Thục.

Tý Ngọ Cốc là một trong ba con đường gần như song song theo hướng Bắc - Nam có thể dùng để đi xuyên qua dãy Tần Lĩnh để tiến vào lãnh thổ của Tào Ngụy, nằm ở phía Đông. Hai con đường còn lại là Tà Cốc ở phía Tây và Cơ Cốc ở giữa.

Nếu để ý, sẽ thấy Tà Cốc (thuộc Kỳ Sơn) chính là địa điểm tập kết quân sự ưa thích của Gia Cát Lượng trong các lần Bắc phạt. Đầu phía Bắc của Tà Cốc chính là My Thành, phía Tây Bắc là các quận Thiên Thủy, Nam An và An Định của Lương Châu (các quận mà Triệu Vân đã từng chiếm được). Cơ Cốc thường đóng vai trò là điểm chia quân (thường do Gia Cát Lượng bố trí một đại tướng cầm quân độc lập nhằm phân tán binh lực phía Ngụy và hư trương thanh thế, đánh lạc hướng, chẳng hạn Triệu Vân trong lần ra Kỳ Sơn thứ nhất). Vượt qua Tần Lĩnh sẽ là bờ Nam sông Vị - nơi Gia Cát Lượng đã từng đặt chân đến nhưng không bao giờ đánh sang được bờ đối diện vì sự nhẫn nại của Tư Mã Ý.

Tà Cốc - Cơ Cốc - Tý Ngọ Cốc (nguồn: tangthuvien.vn)Tà Cốc - Cơ Cốc - Tý Ngọ Cốc 

Như vậy, Tý Ngọ Cốc là cốc khẩu phía cực đông trong ba con đường xuyên qua Tần Lĩnh, và cũng là con đường nằm gần Trường An nhất. Chính vì vị trí địa lý này mà đề nghị của Ngụy Diên được coi là táo bạo và mang tính bất ngờ, vì lẽ ra đây phải là con đường được phía Tào Ngụy bố phòng cẩn mật hơn cả.

Tuy nhiên nếu xét theo logic thông thường, một tướng lĩnh đảm nhiệm phòng thủ, dù ngu dốt cách mấy, cũng phải biết những điều cơ bản nhất, chẳng hạn: cho quân canh giữ nơi hiểm yếu. Như phân tích ở trên, trong 3 con đường, Tý Ngọ Cốc gần Trường An nhất, chắc chắn phải là cứ điểm được quân Ngụy phòng thủ kỹ lưỡng trước tiên (đánh nhau, bạn phòng thủ mặt kỹ hơn hay chân kỹ hơn?). Đề xuất của Ngụy Diên, vì thế mang tính mạo hiểm rất cao, và không có chút khả thi nào nếu xét về mặt địa thế.

2 – Nhân sự phía Tào Ngụy:

Căn cứ chủ yếu của Ngụy Diên với đề xuất Tý Ngọ Cốc nằm ở mấy chữ viết trong Ngụy Lược:

Nghe nói Hạ Hầu Mậu còn ít tuổi, là con rể của chủ, hèn nhát mà vô mưu. Nay cấp cho tôi 5.000 tinh binh, 5.000 quân tải lương, tôi thẳng theo lối Bao Trung tiến ra, men theo Tần Lĩnh nhằm hướng Đông mà đến, lại theo hướng Tý Ngọ mà tiến về Bắc, bất quá chỉ 10 ngày có thể đến được Tràng An. Mậu thấy Diên tôi đến bất ngờ tất gióng ngựa bơi thuyền bỏ chạy. Như thế trong thành Tràng An chỉ còn bọn ngự sử, kinh triệu, thái thủ coi giữ, ở Hoành môn, Đề các dân tất chạy náo loạn, ắt ta chiếm được hết cả lương thực vậy. Địch quân từ phía Đông tiến lại cũng phải mất 20 ngày, khi ấy tướng quân đã theo lối Tà Cốc mà đến, tất cũng kịp vậy. Như thế, chỉ một lần vọng động mà từ Hàm Dương về phía Tây có thể định được vậy”.

La Quán Trung trong TQDN có sửa lại một ít, nhưng các ý cơ bản không thay đổi:

Hạ Hầu Mậu là con nhà phú quý, ngu si không biết gì. Tôi xin dẫn năm nghìn tinh binh, lấy đường ra Bao Trung, men núi Tần Lĩnh, sang mé đông, qua hang Tí Ngọ, tiến lên mặt bắc, chắc chỉ trong vòng mười ngày đến được Trường An. Hạ Hầu Mậu nếu thấy tôi đến bất thình lình, tất phải bỏ thành, nhằm phía Hoành Môn, Để Các chạy trốn. Tôi lại chuyển sang mặt đông đánh vào, thừa tướng thúc đại quân từ đường Tà Cốc tiến lên. Như thế, từ Hàm Dương trở sang mé tây, chỉ một trận là định được cả.”

Với phát biểu này, Ngụy Diên đặt cược tất cả vào sự ngu dốt và hèn nhát của Hạ Hầu Mậu (HHM). Nhưng có thật sự là HHM tệ đến mức ấy? Và bộ máy nhân sự cấp cao phía Tào Ngụy có phải chỉ có mỗi HHM?

+ Đầu tiên, quy kết của Ngụy Diên về Hạ Hầu Mậu là võ đoán và không có cơ sở rõ ràng, chỉ là “nghe nói”. Không một chủ soái nào dám dựa vào một thông tin mơ hồ như vậy để đưa ra quyết định. Napoleon từng nói "trước khi khẳng định được chủ soái đối phương ngu xuẩn đến mức nào thì hãy hành động như thể đối phương khôn ngoan không kém gì mình". Chê trách Gia Cát Lượng không nghe lời Ngụy Diên, có phải là quá đáng lắm không? Khen Ngụy Diên nhận định đúng, có phải là chủ quan quá không?

+ Thứ hai, có thể HHM đúng là kẻ ngu si. Nhưng dưới trướng y chắc gì không có người tài bày mưu chỉ kế? Có gì chắc chắn là HHM sẽ bỏ lỏng không phòng thủ Tý Ngọ Cốc? (nhỡ lòi ra một tham quân nào đó nhắc nhở vị trí này?) Có gì chắc chắn là HHM sẽ hoảng sợ bỏ chạy khi thấy Ngụy Diên “bất ngờ xuất hiện” dưới chân thành Trường An hay không? Lời phản biện của Gia Cát Lượng cũng chính là ý này:

“Ngươi khinh Trung Nguyên không có người giỏi chăng? Nếucó người xui đem binh chặn đường hẻm trong núi, thì chẳng những năm nghìn người bị hại, mà còn làm tổn mất nhuệ khí của quân ta, mẹo ấy quyết không nên dùng” (TQDN hồi 92 – bản dịch Phan Kế Bính).

Như đã phân tích ở phần 1, địa thế Tý Ngọ Cốc như một “cái ống” đặt xuyên qua dãy Tần Lĩnh, mà chỉ cần quân Ngụy tập trung binh lực chẹn ngay hẻm núi (đầu phía Bắc của ống), thì chính là cái thế “nhất phu đương quan, vạn phu nan địch”, thủ dễ mà công khó vô cùng. Ác độc hơn, nếu quân Ngụy cho một nửa quân Thục đi qua rồi mới phục binh bắn tên giết chóc hoặc dùng hỏa công, chia cắt đầu đuôi, thì có phải sẽ toàn quân tiêu diệt hay không?

HHM có thể ngu thật, nhưng dưới trướng y không thiếu người tài, dẫn chứng có thể lấy ngay ở hồi 92. Chính “HHM ngu dốt” ấy đã biết nghe lời Tham quân Trình Võ (con Trình Dục) để dụ Triệu Vân mắc bẫy, đến nỗi “Vân không sao tiến lên được, bèn ngẩng mặt lên trời than rằng: Ta không chịu già, phen này chết ở đây mất!”. Nếu không có Quan Hưng Trương Bào ứng cứu chỉ e Vân đã vong mạng, đại tướng lừng danh dốc Trường Bản cũng phải chết về tay kẻ bất tài HHM rồi đó! Tầm quan trọng của bộ máy tham mưu cho HHM rõ ràng là không thể bỏ qua, nhưng đề xuất của Ngụy Diên hoàn toàn không tính đến điểm này.

+ Thứ ba, có một chi tiết ít người để ý đến: Ngụy Minh Đế Tào Duệ thực chất đã đích thân đến Trường An đốc quân. Điều này tuy La QuánTrung không nhắc đến nhưng Tam Quốc Chí - Minh Đế Kỷ chép rất rõ:

[Đại tướng nước Thục là Gia Cát Lượng quấy phá ở biên giới. Kẻ lại thứ dân ba quân Thiên Thuỷ, Nam An, An Định làm phản phụ hoạ với Lượng.
Nguỵ Thư chép: Lúc bấy giờ triều thần chưa biết đưa ra sách lược gì. Đế nói: ''Lượng vân dựa vào núi non cách trở, nay lại tự đến, đã hợp với kế sách trong binh thư của bậc trí giả. Vả chăng Lượng tham ba quận, chỉ biết tiến mà không biết thoái, nay nhân cơ hội này tất sẽ phá được.'' Bèn bố trí binh mã bộ kỵ năm vạn thống lĩnh ra chống Lượng.

Sai Đại TướngQuân Tào Chân giám sát toàn bộ Quan Hữu, cùng nhau tiến binh. Hữu Tướng Quân Trương Cáp công kích Lượng ở Nhai Đình, đại thắng. Lượng thua trận bỏ chạy, ba quận được bình định. Ngày Tân Mùi, tổ chức ăn mừng ở Trường An.

Mùa hạ, tháng tư, trở về cung ở Lạc Dương”.

Tam Quốc Chí - Gia Cát Lượng truyện cũng chép:

[Ngụy Minh Đế sang tây trấn thủ Trường An, lệnh cho Trương Cáp chống cự Lượng. Lượng cử Mã Tắc đốc suất ba quân phía trước cùng Cáp đại chiến ở Nhai Đình...]

Rõ ràng, có thể việc HHM được bổ nhiệm làm Thị trung thượng thư, An Đông Trấn Tây tướng quân và được gả Công chúa Thanh Hà đúng là không phải do tài năng, mà chỉ là vì ông ta là thứ nam của Hạ Hầu Đôn. Nhưng việc giao cho HHM coi Trường An không có nghĩa là Tào Duệ đánh giá thấp mặt trận này và phó thác hết cho HHM. Trái lại, Ngụy Minh Đế đã đích thân đến Trường An đốc chiến, trực tiếp phân phối binh lực – nhân sự. Điều này quá dễ hiểu đi, Trường An quan trọng thế nào thì ai cũng biết. Có lí nào Tào Duệ lại an tâm phó thác hết cho một người “bị dư luận coi là bất tài” như HHM chứ? Lí luận của Ngụy Diên “HHM thấy tui sẽ hoảng sợ bỏ chạy” quả thật không khác gì chuyện cười, vì Diên không hề tính đến việc Tào Duệ coi trọng tòa thành này ra sao.



3 - Tính khả thi của việc đánh chiếm và giữ được Trường An:
3.1 Có thể công hạ Trường An chỉ với một vạn quân trong 20 ngày hay không?

Giả sử Ngụy Diên may mắn chuyển quân thành công qua Tý Ngọ Cốc, lấy luôn số liệu từ Ngụy Lược thay vì TQDN để Ngụy Diên "dễ thở" hơn một chút (1 vạn quân gồm 5000 tinh binh, 5000 vận lương. Trong TQDN thì Diên “chấp” luôn 5000 quân vận lương, chắc 5000 tinh binh kia chỉ tự mang lương thực đủ cho 3-4 ngày là tối đa vì ưu tiên hành quân thần tốc bất ngờ - Diên tự tin quá cỡ rằng sẽ chiếm Trường An chỉ trong 3-4 ngày???); và giả sử Ngụy Diên thành công xuất hiện dưới chân thành Trường An, điều gì sẽ xảy ra?

+ Như đã phân tích ở trên, khả năng HHM bỏ chạy là rất nhỏ. 1 vạn quân của Ngụy Diên chắc chắn là khinh kị binh, trang bị nhẹ do chú trọng việc hành quân thần tốc+địa hình khó khăn của Tý Ngọ Cốc (đường xuyên núi chật hẹp gai góc). Không có khí giới công thành như thang mây, không có số lượng cung tiễn lớn (dùng để bắn phủ đầu quân cung thủ trên đầu thành để quân công thành có thể áp sát mà ít bị cung tiễn bên địch uy hiếp), không có khiên nặng để đỡ đá, gỗ lăn từ trên thành xuống, chắc chắn sẽ không có xe công thành, máy bắn đá… thì công thành làm sao?

+ Và nhỡ như HHM “rảnh quá không biết làm gì”, thử bắn vài ngàn mũi tên xuống, lăn ít gỗ đá, dầu sôi xuống, liệu Ngụy Diên có ngạc nhiên vì “ủa sao tui tới rùi mà thèn Mậu nó không bỏ chạy???”, hay sẽ bỏ chạy tóe khói vì lửa, gỗ và dầu hỏa đun sôi? 

+ Trong khi đó, nhìn lại độ kiên cố của Trường An: đây là kinh đô thời Tây Hán, thành cao hào sâu, quy mô hùng vĩ, còn rộng lớn hơn thành Tây An gấp mười lần, gấp năm lần Hán thành, gấp đôi Bắc Ngụy Lạc Dương thành, gấp bảy lần Đại Đô thành, chín lần Minh thành Nam Kinh, gấp bốn lần Minh Thanh thành Bắc Kinh, là đô thành lớn nhất, quy mô nhất Trung Hoa cổ đại. Nếu thủ thành không ra, chống cự trong thời gian ngắn (ngắn đây là cỡ 6 tháng đến 1 năm) không phải là vấn đề.

=> HHM phải ngu dốt đến cỡ nào mới có thể không nhận ra tất cả các lợi thế này? Danh tiếng của Ngụy Diên phải lớn đến mức nào mới có thể khiến HHM sợ quá bỏ chạy? Trong khi chỉ cần HHM không làm gì cả, chỉ ngồi uống rượu thì Ngụy Diên cũng không có cách nào công được Trường An?

+ Lại lấy dẫn chứng, năm xưa quân Nguyên thiên hạ vô địch, đánh cái thành Tương Dương của Nam Tống bằng một góc Trường An mà 7-8 năm không đổ. Như chiến dịch Kỳ Sơn lần thứ hai, Gia Cát Lượng có  "hàng vạn quân", còn Hách Chiêu chỉ "binh lực hơn nghìn", vậy mà không công nổi Trần Thương (Tam Quốc Chí - Minh Đế Kỷ - Ngụy lược chép "Lượng tự nghĩ có quân tính đến hàng vạn mà Chiêu binh lực chỉ hơn nghìn, hơn nữa tính rằng quân ở phía đông (tức viện binh từ Đồng Quan - Phong Trần chú thích) đi cứu chưa thể mau chóng đến nơi được, bèn tiến binh đánh Chiêu. Lượng đưa xe nặng chở thang mây đến gần thành. Chiêu ở trên thành lấy tên lửa bắn xuống thang mây đón đánh. Thang cháy, người ở trên thang đều bị chết thiêu. Chiêu lại lấy dây buộc đá ném ra quăng vào xe nặng, xe gẫy. Lượng bèn cho quân đứng trên Tỉnh Lan cao trăm thước bắn vào trong thành, lấy đất lấp hào, muốn trèo thẳng vào trong thành. Chiêu ở trong thành xây tường lớn để chặn. Lượng lại sai đào đất nền, muốn đi lên phía trong tường thành. Chiêu lại đào một đường hào cắt ngang ở trong để ngăn chặn. Hai bên ngày đêm công thủ hơn hai mươi hôm, Lượng không dùng được cách nào thì cứu binh đã tới nơi nên đành phải rút"). Ví dụ cụ thể trên cho thấy rõ cái lợi của bên thủ trong tương quan lực lượng công thành – thủ thành (tỷ lệ công/thủ phải lớn hơn hoặc bằng 3/1 mới có hy vọng thắng, với điều kiện đầy đủ khí cụ công thành – số liệu do người viết rút ra từ thực tế chiến tranh cổ đại). Gia Cát Lượng có chênh lệch quân số không chỉ mười lần, lại đầy đủ quân trang, mà hai mươi ngày cũng không công nổi một thành trì; đằng này binh lực của Ngụy Diên còn ít hơn bên thủ thành, lại thiếu hụt khí cụ công thành, thì làm sao mà thắng được?

+ Lại nói về khả năng xuất hiện quân tiếp viện cho Trường An. TQDN không ghi rõ, nhưng Ngụy lược dẫn lời Ngụy Diên nói “Địch quân từ phía Đông tiến lại cũng phải mất 20 ngày, khi ấy tướng quân đã theo lối Tà Cốc mà đến, tất cũng kịp vậy”. Tức Diên cho rằng quân cứu viện của Tào Ngụy từ Đồng Quan đến phải tốn 20 ngày. Thực tế Gia Cát Lượng đánh Trần Thương thì cũng sau 20 ngày viện binh từ Đồng Quan tới được Tán Quan. Như đã phân tích, thành trì lớn như Trường An thì cố thủ nửa năm đến một năm không là vấn đề, thời gian 20 ngày này dư sức để quân cứu viện từ Đồng Quan đến, lúc đó Ngụy Diên chống đỡ thế nào?

+ Lại nói về lương thực, một bài toán đơn giản thôi: 5000 người vận lương cho tổng quân số là 1 vạn người, tỷ lệ 1 người mang thức ăn cho 2 người. Vậy 1 người đó có thể mang tối đa là bao nhiêu ngày thức ăn cho 2 người đây? Con số 20 ngày chắc chắn là một con số quá xa xỉ đối với Ngụy Diên rồi. Chỉ sợ chưa đến 10 ngày quân của Diên đã hết lương chết đói cả.



3.2 Có thể giữ được Trường An nếu may mắn chiếm được hay không?
(Phần này có sử dụng tài liệu tham khảo từ tangthuvien.vn - tác giả là các bác Get Backer, Weingarten, Omaichuoi)

Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ địa thế của Trường An dưới góc độ người thủ thành (giả sử Ngụy Diên đã chiếm được Trường An).

Trường An nằm trên bình nguyên sông Vị ở trung tâm đồng bằng Quan Trung. Gọi là "Quan Trung" vì đồng bằng này nằm giữa bốn đại hùng quan: Bắc có Tiêu Quan; Nam có Vũ Quan; Tây có Tán Quan; Đông có Đồng Quan. Ở phía Nam: Vũ Quan nằm ở bờ bắc sông Vũ Quan huyện Đan Phượng, cùng với Hàm Cốc Quan, Tiêu Quan, Đại Quan tạo thành “Tứ quan của nhà Tần”. Vũ Quan có lịch sử lâu đời, được xây dựng từ thời Xuân Thu, lúc ấy có tên là “Thiếu Tập Quan”, vào thời Chiến quốc đổi thành “Vũ Quan”, là quan ải hùng tráng hiểm trở. Ở phía Tây: Tán Quan thuộc vùng Tây Nam Bảo Kê, Thiểm Tây chính là ải Trần Thương lẫy lừng với tên tuổi của Hách Chiêu. Ở phía Đông: Đồng Quan là thiên hiểm cực kỳ trọng yếu mà binh gia tranh giành, từng ghi dấu danh tiếng Mã Siêu.

Nguỵ Diên trong đề xuất Tý Ngọ Cốc cũng chỉ dám nói sẽ định được Hàm Dương chứ không dám nói là khống chế được bốn cửa quan này. Trong khi trên thực tế, trên đồng bằng Quan Trung không có thiên hiểm nào có thể dùng để phòng ngự được. (Ví dụ: Trung kỳ Tam Quốc, quân Tây Lương sau khi hạ Trường An thì ruổi thẳng ra Đồng Quan chọi nhau với Tào Tháo. Thời Đường, An Lộc Sơn phá được Đồng Quan thì Đường Huyền Tông phải chạy vào đất Thục vì không có thiên hiểm nào có thể tận dụng được ở khoảng giữa Trường An và tứ quan). Giả sử quân Thục thâm nhập Quan Trung khi chưa khống chế được tứ quan, thì viễn cảnh sẽ là muộn nhất sau một tháng, viện binh Tào Ngụy từ Đồng Quan và Lương Châu sẽ đánh kẹp lại từ hai hướng đông tây, không loại trừ khả năng có thêm viện binh từ Tiêu Quan phía Bắc. Một vạn quân (giả sử Diên công thành không tốn một binh tốt nào luôn) sẽ chống cự thế nào với hai mươi vạn quân tiếp viện? Thảm cảnh diệt vong là không thể tránh khỏi.

4. Tý Ngọ Cốc có giống như trường hợp "Ám độ Trần Thương" của Hàn Tín hay chiến dịch Âm Bình của Đặng Ngải hay không?
(Phần này là ghi chép của mem Tran Tien)

4.1. Tình hình nước Thục trước trận Âm Bình

Tam Quốc Chí viết Đặng Ngãi vào Âm Bình với hơn 1 vạn quân. Còn Tam Quốc Diễn Nghĩa chém là chỉ mang 3000 quân.

Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả khá phi logic, rằng một cái thành không bị sứt mẻ gì với vài vạn quân lại chỉ cần nghe phong thanh tin quân địch thì lập tức đầu hàng. Đặng Ngãi nhờ có số quân này mới có thể cự lại 7 vạn quân của Gia Cát Chiêm. Có phải quá vô lí không?

Về điểm này cần phải xem xét đến tình hình nước Thục. Trong lịch sử tổng kết, nguyên nhân nước Thục thất bại thường được nhắc đến gồm 4 điều: "Lưu Thiền hôn dung, Hoàng Hạo lộng quyền, Trần Chi loạn chính, Tiều Chu lụy nước". Dựa vào 4 điều này có thể tưởng tượng tình hình tệ hại của nước Thục khi đó. Mà nguyên nhân sâu xa chính là sự bất hòa của ba tập đoàn Kinh Châu, Ích Châu và Đông Châu đã không thể điều hòa vì thiếu đi đại hành gia nội chính như Gia Cát Lượng.

Trong đó, phái Tiêu Chu của tập đoàn Ích Châu là những người chủ trương đầu hàng. Bởi thế mới có chuyện nước Thục thất bại nhanh chóng. Trong khi đó, nước Ngụy bấy giờ lại có nền tảng khá ổn định, nước Ngụy lại giàu, so với nước Thục như trời với vực. Như vậy có thể lí giải sự sụp đổ quá nhanh của Thục sau khi Âm Bình thất thủ như là hệ quả của một loạt những nguyên nhân từ trước đó về quốc lực, lòng người và chính trị.

4.2. Tình hình Hán-Sở trước trận Trần Thương

Truy ngược về trước, Hàn Tín minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương cũng là cùng một lẽ.

Năm đó ba người Chương Hàm tuy là danh tướng nhưng là người Tần mà theo Hạng Vũ. Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần vốn đã làm người Tần bất mãn, lại thêm Hạng giết Nghĩa đế khiến người Tần căm phẫn mà càng quý Lưu Bang. Cho nên dù Hàn Tín mới chỉ hạ được Trần Thương mà trong các nước Tam Tầm đã có biến loạn. Đối mặt với 10 vạn quân đang muốn về nhà ở ngoài, biến loạn ở trong, Chương Hàm chỉ còn cách tự vẫn.

Cũng cần nói thêm là để hạ một thành Trần Thương nhỏ hơn Trường An gấp 10 lần, Hàn Tín đã huy động đến 10 vạn đại quân cho một đòn sấm sét rồi tiến về Hàm Dương.

Có một sự kiện mà ít người chú ý là tại sao Hàn Tín tấn công Tần thì Hạng Vũ không cứu? Thật ra Hạng Vũ lúc đó đã định đem quân tiếp viện. Mà nếu Hạng Vũ đến thật thì chưa chắc Hàn Tín đã có thể ra khỏi cửa Hán Trung. Đáng tiếc ý trời muốn Sở mất. Trương Lương, người góp phần đạo diễn kế hoạch "ám độ Trần Thương" bằng cách đưa bản đồ đường nhỏ xuyên rừng núi cho Hàn Tín rồi hủy đi đường sạn đạo để Hạng Vũ không còn nghi ngờ Lưu Bang, lúc bấy giờ đang là tâm phúc của Hạng Vũ. Chính Trương Lương, kẻ hiểu lòng người đã dùng lời lẽ tâng bốc Hạng Vũ để Vũ coi thường đám tiểu tốt của Lưu Bang mà đem quân đi diệt Bành Việt, Kinh Bố.

Vậy mới thấy, Ngụy Minh Đế khi đó đem quân đến Trường An trấn thủ không chỉ đơn thuần về mặt chiến thuật mà còn cho thấy nước Ngụy không hề loạn (phe phái).

4.3 Kết

Suy xét cẩn thận, ý tưởng mạo hiểm của Ngụy Diên so với Đặng Ngải và Hàn Tín chỉ có hình tướng giống nhau, còn bản chất e rằng chỉ có Đặng Ngải và Hàn Tín là giống nhau còn Ngụy Diên thì lại khác rất xa.

Kết luận: Dù dưới góc độ nào, đề xuất Tý Ngọc Cốc của Ngụy Diên cũng tràn đầy tính bất hợp lý, phiêu lưu may rủi và không khả thi. Chữ “kỳ mưu” có lẽ không phải là mỹ từ thích hợp nên dùng cho nó. Những người yêu mến Ngụy Diên cũng không nên lấy chuyện Tý Ngọ ra để buồn tiếc cho Văn Trường. Suy cho cùng, đó chỉ là những lời cuồng vọng mà thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nhân vật Tam Quốc: Lưu Bị

Lưu Bị – Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi! Quả thật, Lưu Bị rất xứng danh với lời khen tặng này của Tào Tháo. Nhiều người cho rằng Lưu Bị không xứng đáng anh hùng cũng có lý riêng, tôi sẽ nói rõ hơn về “anh hùng” của Lưu Bị. Lưu Bị, tên chữ là Huyền Đức, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt xa của Hiếu Cảnh Hoàng đế (Các Hoàng đế đầu tiên nhà Hán là Cao Tổ, Hiếu Huệ đế, Văn Đế, Cảnh đế, Vũ đế …). Thực chất Huyền Đức là tầng lớp quý tộc suy vi của Hán tộc, truyền đến đời Huyền Đức thì đã suy, nên Huyền Đức sinh ra trong nghèo khổ, cha mất sớm, phải đi làm nghề dệt chiếu đóng dép để kiếm ăn. Sinh thời, Huyền Đức là một người con có hiếu, thờ Lư Thực và Trịnh Huyền làm thầy, kết bạn với Công Tôn Toản. Lưu Bị đã sớm bày tỏ ý chí của mình “Sau này lớn lên ta làm vua cũng sẽ làm cỗ xe như thế” (hồi 1 – nói về cây dâu nhà Huyền Đức). Tướn...

Bi kịch một đời tướng tài - Ngụy Diên

Ngụy Diên tự là Văn Tràng, người Nghĩa Dương, vốn là thủ hạ dưới trướng đại tướng Sái Mạo của Lưu Biểu. Lưu Bị từ Tân Dã thua chạy ngang qua Tương Dương, do Sái Mạo hàng Tào Tháo, cự tuyệt không thu nạp ông, Ngụy Diên chém chết tướng sĩ giữ cửa thành đuổi theo Lưu Bị nhưng do không tìm được Lưu Bị nên ông đã đi theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền. Quan Vũ đến đánh Trường Sa, dẫn quân tới chân thành. Vào thời khắc quan trọng khi Hàn Huyền muốn giết oan Hoàng Trung, Ngụy Diên đã chém chết đao phủ cứu Hoàng Trung, lại khích lệ binh sĩ giết Hàn Huyền đầu hàng Quan Vũ. Khi Lưu Bị dẫn quân đánh Xuyên, Ngụy Diên và Hoàng Trung làm tùy quân đại tướng, lập nên rất nhiều chiến công, được phong làm Dương Vũ tướng quân. Khi Lưu Bị đoạt Hán Trung, Ngụy Diên phối hợp với Trương Phi đánh bại Trương Cáp, đoạt ải Ngõa Khẩu, chặn cướp lương thảo tại Dương Bình, lại bắn bị thương Tào Tháo tại Tà Cốc. Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương, đề bạt Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung, lệnh cho ông làm Tổng...

72 MƯU KẾ CỦA QUỶ CỐC TỬ, TRĂM NGÀN NĂM SAU VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ (P.1)

Quỷ Cốc Tử là một người tu Đạo thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông tu ẩn dật một mình trong Quỷ Cốc vì thế mọi người thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tự nhận mình là đệ tử của Lão Tử. Với 72 kế sách tinh thâm của ông, bạn có thể cất giữ và học tập cả đời cũng không thể hết, ví dụ như: Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. “Biến sinh ra sự; Sự sinh mưu; Mưu sinh kế; Kế sinh nghị; Nghị sinh thuyết; Thuyết sinh tiến; Tiến sinh thoái; Thoái sinh chế (chế ngự sự việc). Dưới đây là phiên bản đầy đủ 72 kế sách của ông: Kế thứ 1: Dương mưu – Âm mưu “Mưu kế trí lược, mỗi cái đều có hình dạng của nó: hoặc vuông hoặc tròn, hoặc âm hoặc dương”. Mưu kế có âm mưu và dương mưu, trong bất kỳ tình huống nào, người ta đều không được coi thường đối phương. Bởi vì sự việc, có những việc giả dối mà đối phương cố ý tạo ra. Tình báo cũng có tình báo giả. Cho nên thánh nhân phải làm cho đối phương không thể dò biết được thực hư. Âm mưu ở đây không phải là thứ thủ đoạn của bọn tiểu nh...